Hơn 10.000 cú sét đánh xuống đất ở Hà Nội và các tỉnh lân cận
Theo thống kê từ 6 giờ đến 9 giờ ngày 5/6, có tổng cộng 10.215 cú sét đánh xuống Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mưa to đến rất to bao trùm nhiều nơi.
Theo thống kê của Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính từ 6 giờ sáng đến nay, hàng nghìn cú sét đã đánh xuống khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận Hưng Yên, Hà Nam.
Cụ thể, từ 6 giờ – 7 giờ có 3.513 cú sét, trong đó có 2.322 cú sét đánh từ mây xuống đất; từ 7 giờ đến 8 giờ có 4.060 cú sét, trong đó có 2.855 cú sét đánh từ mây xuống đất; từ 8 giờ đến 9 giờ có 2.642 cú sét, trong đó có 1.848 cú sét đánh từ mây xuống đất.
Như vậy, từ 6 giờ đến 9 giờ ngày 5/6, có tổng cộng 10.215 cú sét đánh xuống Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Đáng chú ý, từ 7 giờ 40 phút đến 7 giờ 50 phút có 830 cú sét, trong đó có 542 của sét đánh từ mây xuống đất tại khu vực Hà Nội và lân cận.
Tại khu vực Hà Nội, sấm sét xuất hiện ở nhiều quận, huyện; trong đó, khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa xuất hiện sấm sét dày đặc.
Sáng nay, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ở Thanh Trì, Hà Nội bị sét đánh khi đang đi cắt rau ngoài đồng. Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu – Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn tim phổi, tiên lượng nguy kịch.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết thêm, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho các khu vực: Ứng Hòa, Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh và các quận: Hoàng Mai, Hà Đông, Ba Đình, Nam Từ Liêm đang di chuyển và mở rộng sang khu vực nội thành, thành phố Hà Nội.
Hơn 10.000 cú sét đánh xuống đất ở Hà Nội và các tỉnh lân cận
Mưa to có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh tại Hà Nội gây ảnh hưởng đi lại của người dân
Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong khoảng từ 30 phút đến 3 giờ tới, vùng mây này tiếp tục gây mưa cho các quận/huyện trên, sau đó sẽ lan sang các quận/huyện khác thuộc nội thành Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1.
Các chuyên gia khuyến cáo, dông sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây dông tích điện xuống mặt đất. Người dân chú ý: hạn chế sử dụng điện thoại trong khi có dông, sét; trừ trường hợp cần thiết; tránh các chỗ ẩm ướt như phòng tắm, bể nước, vòi nước vì đó là các vật dễ bị sét đánh lan truyền; ngắt các thiết bị điện để tránh bị điện giật, hỏa hoạn, tắt/cắt tạm thời các thiết bị điện; không đứng gần hoặc thò đầu ra ngoài cửa sổ, cửa chính và không được ở trên nóc nhà hoặc cây cối.
Người dân cần dùng các vật dụng cứng che đầu và tìm ngay nơi tránh trú tại những công trình kiên cố có mái che; không trú mưa dưới các gốc cây to, gò cao và nơi có nước; tìm nơi thấp hơn, khô ráo để tránh; tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, trạm biến áp, cột điện đường dây điện… bởi vì chúng là những thứ thu hút sét.
Người dân không đứng thành nhóm người gần nhau tránh sét đánh lan. Trong trường hợp không thể tìm nơi trú ẩn, để phòng tránh sét, người dân nên tìm chỗ khô ráo, có vị trí càng thấp càng tốt. Hai tay bịt tai để tránh ảnh hưởng đến thính giác. Hai bàn tay chụm vào nhau và nhón chân lên để giảm tiếp xúc với mặt đất, không nằm sát xuống đất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa từ ngày 5/6 đến đêm 6/6, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-120 mm, có nơi trên 200 mm.
Từ chiều tối 5/6 đến đêm 6/6, Nghệ An mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ mưa rất to với lượng mưa từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.
Người dân các khu vực trên cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 7/6, mưa lớn có khả năng giảm dần.