4 phân khúc bất động sản hút nhà đầu tư ngoại

03/19/2024

Nhà đầu tư nước ngoài mở rộng quan tâm với bất động sản bán lẻ, khách sạn, bên cạnh phân khúc truyền thống như nhà ở, văn phòng, theo Savills.

Trong báo cáo mới đây, Savills cho biết thị trường bất động sản Việt Nam duy trì là điểm đến đáng chú ý của các chủ đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài, tập trung ở 4 phân khúc: nhà ở, văn phòng, bán lẻ và khách sạn.

Trên thị trường nhà ở, ông Nguyễn Trọng Toàn, Quản lý bộ phận Đầu tư, Savills, Hà Nội, cho biết nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án mang thương hiệu riêng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhà ở của người dân cao. Lợi thế của các chủ đầu tư nước ngoài nằm ở thương hiệu, ý tưởng thiết kế, tiêu chuẩn và chất lượng xây dựng.

“Các sản phẩm phát triển dù ở phân khúc cao cấp vẫn được thị trường đón nhận tích cực”, ông Toàn nói.

Thị trường văn phòng cũng ghi nhận nguồn cầu tăng mạnh từ khối doanh nghiệp năng lượng, sản xuất và tư vấn. Ghi nhận của Savills tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cho thấy thị trường này mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư và định vị sản phẩm đạt bộ tiêu chuẩn công trình xanh LEED của Mỹ, chứng nhận xây dựng xanh BREEAM của Anh hay tiêu chuẩn xây dựng quốc tế WELL.

Riêng thị trường Hà Nội, ông Toàn cho biết các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mở rộng phạm vi đầu tư tại các khu vực đang phát triển thay vì tập trung tại các quận nội thành. Đây cũng là khu vực ghi nhận xu hướng dịch chuyển của các nhóm văn phòng, cơ quan hành chính và dân cư.

Bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài hai lĩnh vực truyền thống, sự gia nhập của các ông lớn ngành bán lẻ cũng gia tăng sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

Đầu tháng 2, Central Pattana, nhà phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất Thái Lan, đã rục rịch thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhằm gia nhập thị trường bán lẻ sôi động. Thiso Retail (Tổng công ty thuộc Tập đoàn thành viên Thiso) cũng có chiến lược mở siêu thị Emart thứ tư tại phía Bắc sau khi mua lại quỹ đất 2,4 ha tại Khu đô thị Tây Hồ Tây. Trước đó, Thiso Retail hợp tác với Emart Hàn Quốc khai trương siêu thị Emart hơn 10.500 m2 tại TP HCM.

Thị trường khách sạn trên đà phục hồi cũng được nhiều nhà đầu tư ngoại đánh giá cao và xúc tiến đầu tư. Việt Nam đón gần 121 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, tăng 19% theo năm. Lượng khách quốc tế cũng tăng ba lần so với 2022. Điều này kéo theo công suất và giá thuê khách sạn tại Hà Nội và TP HCM đều tăng hai chữ số, theo Savills.

Mới đây, CBRE cũng cho biết hơn 3.000 người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam từ năm 2015 đến quý III/2023, trong đó 90% mua các sản phẩm chung cư. Nhóm khách hàng này chuộng căn hộ cao cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Nhóm nhà đầu tư ngoại chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc với lợi thế khoảng cách địa lý gần nhau.

Lý giải diễn biến trên, ông Nguyễn Trọng Toàn cho rằng Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Với mức lãi suất ổn định, việc vay vốn các dự án đầu tư trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư ngoại.

Nhiều chính sách tài khóa được triển khai như giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng cho hầu hết mặt hàng, gia hạn thời hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất trong năm 2023… đã tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp nước ngoài. Hình thức đầu tư của khối ngoại cũng đa dạng hơn như đầu tư tài chính, góp vốn, hợp tác kinh doanh thay vì ưu tiên chiếm quyền kiểm soát như trước đây. Savills dự báo thời gian tới, khi các luật mới được áp dụng, thông tin về các cơ hội đầu tư sẽ minh bạch hơn, thúc đẩy dòng vốn FDI vào bất động sản ngày càng lớn.