Hạ tầng thúc đẩy bất động sản khu Nam Hà Nội

03/13/2024

Các dự án quy hoạch đô thị, xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên Ngọc Hồi, cảng hàng không… được kỳ vọng giúp bất động sản Nam Hà Nội hút khách.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2024-2025, các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ lên quận. Đến nay, huyện Thanh Trì đã đạt 27 trong số 31 tiêu chí cần thiết. Các chuyên gia cho biết, việc nâng cấp các huyện này không chỉ là bước tiến trong quy hoạch đô thị mà còn góp phần tạo ra sức hút lớn đối với thị trường bất động sản.

Theo đó, một số khu đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi thành đất dịch vụ, đất ở và đất thương mại dịch vụ, từ đó, tạo tiền đề hình thành của các đô thị thông minh, các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, cùng với sự kết nối đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Khu Nam Hà Nội được quy hoạch để phát triển các khu cư dân, đô thị trọng điểm. Ảnh: Viết Thắng

Bên cạnh đó, khu vực phía Nam Hà Nội cũng đang có những dự án hạ tầng quan trọng như tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi). Tổ hợp này không chỉ phục vụ cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mà còn tích hợp các tuyến đường sắt quốc gia và đô thị, tạo ra một trung tâm giao thông đa năng, kết nối vùng. Cùng với đó, Thủ đô cũng đề xuất xây dựng thêm nhà ga đường sắt tốc độ cao tại Phú Xuyên nhằm phục vụ việc xây dựng sân bay thứ hai, đồng thời, hỗ trợ phát triển các khu đô thị vệ tinh, với dự kiến dân số lên tới 127.000 người.

Đặc biệt, dự án cảng hàng không thứ hai của Hà Nội ở phía bắc trục cao tốc Tây Bắc – quốc lộ 5, thuộc 5 xã của hai huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa, dự kiến được triển khai sau năm 2030 sẽ là cú hích nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và hàng không của Thủ đô.

Theo chủ đầu tư Gamuda, khu vực phía Nam sẽ là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất Hà Nội từ năm 2023 cùng với sự phục hồi của hoạt động đầu tư trong quý III/2024.

Khảo sát cuối năm 2023 của Trung tâm nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate, cho thấy, 63% người có nhu cầu về bất động sản trong năm 2024, trong đó chủ yếu quan tâm tới căn hộ chung cư, đất nền và nhà đất thổ cư.


Một góc khu đô thị Gamuda City, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Minh Hiếu

Hai năm qua, ở thị trường phía Nam, Gamuda Land thực hiện chiến lược đầu tư mở rộng quỹ đất ngắn hạn, trong vòng 5 – 7 năm và tập trung vào những khu vực dân cư đông đúc hoặc những nơi được quy hoạch hạ tầng. Trong khi ở thị trường Hà Nội, nhà phát triển này theo đuổi dự án dài hạn, phát triển khu đô thị toàn diện.

Tại dự án Gamuda Gardens, kể từ giai đoạn I của dự án, với mức giá khởi điểm năm 2014 là 43,6 triệu đồng một m2 nay đang được chào bán khoảng 160 triệu đồng một m2 ở thị trường thứ cấp cho hai dòng sản phẩm biệt thự đơn lập và song lập. Theo chủ đầu tư dự án, không chỉ quận Hoàng Mai, nhiều khu vực kế cận cũng ghi nhận sự tăng giá theo từng năm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tuyến metro và các vành đai mới thiết thực được kỳ vọng thúc đẩy xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm.

Nguồn: VNExpress