Những việc cần làm ngay để ngăn chặn cháy, nổ

01/19/2024

SKĐS – Sau nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo 1 số nội dung phòng cháy, chữa cháy người dân cần thực hiện ngay.

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, chỉ trong tháng 1/2024, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 194 vụ cháy, sự cố gây cháy, trong đó số vụ cháy xảy ra tập trung nhiều đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra ngày 15/1 tại nhà ở kết hợp kinh doanh, số 4 Hàng Lược, Hàng Mã, Hoàn Kiếm làm 4 người tử vong. Trước đó, trong năm 2023, toàn thành phố liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người: Vụ cháy ngày 13/5/2023 tại số 24 Thành Công, Hà Đông làm 4 người chết; vụ cháy ngày 8/7/2023 tại số 12 Thổ Quan, Đống Đa, làm 3 người chết; vụ cháy ngày 19/7/2023 tại nhà ở kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện Ánh Dương tại Yên Khê, Hoài Đức làm 3 người chết.

Đặc điểm chung của các vụ cháy làm chết người nêu trên đều xảy ra vào đêm khuya và rạng sáng, khi các gia đình đang ngủ say. Việc thiếu các phương tiện, thiết bị cảnh báo cháy sớm là một trong những nguyên nhân không phát hiện cháy kịp thời.

Khi phát hiện thì lửa lớn, khói dày đã lan nhanh lên các tầng nhà. Điều này lại càng gây tâm lý hoảng loạn, không còn khả năng kiểm soát tình hình cũng như thoát nạn dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chết người trong các vụ cháy là yếu tố kiến trúc dạng nhà ống, mặt tiền nhỏ hẹp, thang bộ bên trong nhà để hở, không có biện pháp ngăn cháy, ngăn khói.

Xây dựng nội dung phòng cháy, chữa cháy đối với từng đối tượng:

Để ngăn chặn cháy, nổ đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo một số nội dung về phòng cháy, chữa cháy cần thực hiện ngay:

Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người lao động chấp hành nội quy, quy định PCCC. Thường xuyên tự kiểm tra, khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ.

Quá trình sản xuất, kinh doanh cần sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bảo đảm các điều kiện chữa cháy tại chỗ; tổ chức các ca trực để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay khi mới phát sinh.

Đối với các khu dân cư, chính quyền địa phương cần xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”; xây dựng phương án chữa cháy và tổ chức các tình huống giả định cháy sát thực tế; phát huy thực sự có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”.

Mô hình tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy tại Hà Nội đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp kiểm soát đám cháy kịp thời, nhanh chóng.

Đối với hộ gia đình thì phải có giải pháp ngăn cháy lan; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện,… để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã.

Khuyến cáo, kiến nghị các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động để kịp thời báo cháy, cảnh báo cho con người thoát nạn ngay từ thời điểm ban đầu khi đám cháy mới phát sinh.

Cuối cùng, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH, tự trang bị kiến thức, kỹ năng về và thực hiện nghiêm các quy định, nội quy an toàn PCCC&CNCH.

Nguồn: suckhoe&doisong